Doanh nghiệp chê vốn ưu đãi cho công nghiệp hỗ trợ

Doanh nghiệp chê vốn ưu đãi cho công nghiệp hỗ trợ

Doanh nghiệp chê vốn ưu đãi cho công nghiệp hỗ trợ 3 năm kể từ khi Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ công nghiệp phụ trợ, trong đó có ưu đãi về vốn, Ngân hàng Phát triển Việt Nam vẫn chưa nhận được hồ sơ nào doanh nghiệp trong nước.
  • Ước mơ thung lũng silicon tại Việt Nam sắp thành hiện thực / Làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam

Theo Quyết định 12 của Chính phủ, việc sản xuất vật liệu, phụ tùng linh-phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành sản xuất, lắp ráp khác được định nghĩa là công nghiệp hỗ trợ, và nhận được nhiều ưu đãi. Riêng về tài chính, các dự án trong ngành này được xem xét vay một phần vốn tín dụng từ nguồn đầu tư phát triển, thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Nguồn vốn này có lãi suất thấp hơn vay thương mại thông thường.

Sau 3 năm thực hiện, tại hội thảo liên quan chính sách tài chính cho công nghiệp hỗ trợ sáng nay, Phó tổng giám đốc VDB - Đào Dung Anh cho biết các doanh nghiệp rất ngại tham gia, mà ngại nhất là thủ tục. Muốn được ưu đãi về tài chính, chủ đầu tư cần có dự án trình Hội đồng thẩm định liên ngành, do lãnh đạo Bộ Công Thương đứng đầu xem xét, báo cáo Thủ tướng quyết định trước khi VDB tiếp nhận hồ sơ vay. Chính vì e ngại thủ tục này, suốt thời gian qua, hội đồng thẩm định mới xem xét một dự án về công nghiệp hỗ trợ, song đó lại do doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trình lên.

"Thủ tục là thứ doanh nghiệp nghi ngại nhất. Các đơn vị trong nước chưa có dự án nào được thông qua Hội đồng thẩm định. Vì thế, VDB chưa nhận được hồ sơ vay vốn nào", bà Dung Anh nói.

cnpt-8203-1409219859.jpg

Nhà máy sản xuất trong khu công nghiệp Nam Hà Nội. Ảnh: Báo Hải quan

E ngại nêu trên, theo lãnh đạo ngân hàng, một phần nằm ở cơ chế ưu đãi chưa đủ sức thu hút. Tuy vậy, lý do lớn hơn là trình tự thủ tục tương đối phức tạp, chưa thực sự phù hợp với đặc điểm của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, mà phần đông ở quy mô vừa và nhỏ. 

Dù vậy, đại diện cơ quan thực thi chính sách cũng hé lộ, dự thảo nghị định mới thay thế Quyết định số 12 đang được Bộ Công Thương triển khai lấy ý kiến, theo hướng cởi bỏ các quy định phức tạp để việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi dễ dàng hơn. 

Ngoài nguồn ưu đãi từ Chính phủ, tại hội thảo, các nhà băng thương mại cũng hứa hẹn dành một số gói tín dụng ưu đãi cho lĩnh vực phụ trợ nêu trên, như gói ưu đãi 1.000 tỷ đồng sẽ được TPBank triển khai từ cuối năm nay cho các ngành công nghiệp hỗ trợ đặc thù. 

Trong khi đó, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng nói rằng thành phố đã ban hành một số chính sách đặc thù cho ngành công nghiệp này. Qua đó, khối doanh nghiệp này đã được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, lãi suất vốn vay, hỗ trợ hợp tác quốc tế... Ngoài ra, một số khu công nghiệp hỗ trợ của thành phố như khu Nam Hà Nội cũng đã có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp riêng và sẽ đẩy mạnh triển khai trong thời gian ngắn.

Theo Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội - Nguyễn Hoàng, quan tâm của Chính phủ tới lĩnh vực này hơi chậm, bản thân năng lực tài chính, con người, công nghệ sản xuất của doanh nghiệp còn thiếu và yếu. Do đó, hiệp hội kỳ vọng sẽ có các giải pháp thiết thực để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp về tài chính, nguồn vốn, cơ sở hạ tầng, nhằm hiện thực hóa bài toán căn cơ cho ngành này tại Việt Nam.

Chí Hiếu

, ,

Previous
Next Post »