Kinh doanh ở sân bay với chi phí 'trên trời'

Kinh doanh ở sân bay với chi phí 'trên trời'

Kinh doanh ở sân bay với chi phí 'trên trời' Giá thuê mặt bằng đắt gần gấp rưỡi, tiền điện cao gấp nhiều lần, cộng với các phí dịch vụ khác khiến nhiều đơn vị kinh doanh ở sân bay Tân Sơn Nhất lo ngại khi phải giảm giá bán đồ ăn, thức uống theo chỉ đạo.
  • Đồ ăn, thức uống sân bay Tân Sơn Nhất giảm giá gần một nửa / Cơm phở, mỳ tôm sân bay Tân Sơn Nhất giảm giá từ ngày mai

Trước yêu cầu phải giảm giá ngay 5 món thực phẩm thông dụng là nước uống, phở, cơm, bún, mì tôm của Cảng vụ Hàng không miền Nam, hầu như các doanh nghiệp kinh doanh tại Tân Sơn Nhất cũng chấp hành đúng hạn. Song, họ lo ngại nếu giảm giá mà các chi phí đầu vào vẫn cao thì bài toán kinh doanh càng thêm khó.

Theo tài liệu VnExpress thu thập được, giá thuê mặt bằng tại Tân Sơn Nhất dao động 30-60 USD mỗi m2 một tháng tùy vị trí nằm trong ga quốc nội hoặc quốc tế hay khu cách ly, cao hơn 30-40% so với các khu vực gần sân bay. Theo ước tính của một số đơn vị kinh doanh ngành bán lẻ, chi phí trả cho mặt bằng chiếm 20-25% tổng suất đầu tư.

Tiền điện tại nhà ga cũng cao hơn gấp nhiều lần so với mặt bằng giá điện kinh doanh chung của TP HCM. Đơn cử, một khu vực rộng vài trăm m2 tại ga quốc tế phải trả 60-70 triệu đồng tiền điện được khoán cố định mỗi tháng. Thêm vào đó, nhất cử nhất động từ điều chỉnh nhỏ đến sửa chữa lớn đều phải do các đơn vị trực thuộc nhà ga thi công với mức phí cũng cao hơn bên ngoài.

Quản lý nhà hàng Confetti thuộc Công ty Sóng Việt chia sẻ với VnExpress: "Sáu tháng cuối năm chúng tôi không kỳ vọng nhiều vào nguồn lợi nhuận từ nhà hàng. Vài tháng nay khách Trung Quốc giảm đã khiến lượng khách vãng lai sụt 50%, thêm việc hạ giá đồ ăn thức uống xuống trong khi chi phí rất lớn thì kinh doanh khó có lãi". 

a-tb-doanh-nghiep-san-bay-k-6936-1405653

Theo các đơn vị kinh doanh tại sân bay Tân Sơn Nhất, hầu như mọi chi phí cho suất đầu tư tại đây đều cao hơn bên ngoài rất nhiều. Ảnh: H.T

Vị này cho hay, chi phí đã cao, khách vãng lai lại đang giảm mạnh, nhà hàng chỉ còn trông chờ vào lượng khách cố định là nhân viên ở sân bay và phải bán với khung giá riêng, "mềm" hơn giá thương mại.

Khi bị chất vấn chi phí cao, khách lại vắng, kinh doanh khó khăn vì sao vẫn cố làm, vị quản lý nhà hàng Confetti giải thích: "Mục tiêu của công ty làm nhà hàng là quảng bá thương hiệu. Chúng tôi kỳ vọng vào các kênh khác như quảng cáo, bán hàng lưu niệm và thu đổi ngoại tệ. Nếu chỉ dựa vào nhà hàng thì thật không ổn".

Giám đốc Autogrill VFS F&B Nguyễn Hữu Minh tiết lộ, ngoài chi phí mặt bằng theo quy định của nhà ga, tiền điện trong sân bay cũng không hề nhỏ vì phải tuân thủ theo quy định dùng điện 3 pha (công suất cực lớn). Thêm vào đó, doanh nghiệp còn phải đầu tư nhà hàng theo đúng tiêu chuẩn đã đăng ký nên nặng vốn, trang thiết bị cao cấp và trả phí nhượng quyền cũng rất lớn. "Bước đầu chúng tôi sẽ phải giải trình với đối tác nhượng quyền về việc nhà hàng làm thương hiệu cao cấp nhưng bây giờ bán sản phẩm bình dân như mì ly", vị này trần tình.

Theo ông Minh, doanh thu và lợi nhuận bị ảnh hưởng trực tiếp khi giảm giá vì suất đầu tư quá lớn. Đó là chưa kể đến việc vì muốn giữ thương hiệu đã xây dựng theo chuẩn cao cấp, nhà hàng phải đảm bảo chất lượng thực phẩm đồ uống nghiêm ngặt, không đổi. Đây cũng là lý do vì sao ở một số mặt hàng đặc thù như phở, công ty chọn giải pháp bán thêm tô nhỏ chứ không giảm giá tô lớn.

"Chúng tôi hy vọng nhà ga sẽ điều chỉnh giá thuê mặt bằng xuống để hỗ trợ phần nào chi phí, nhưng chưa biết khi nào việc này mới được áp dụng", ông Minh cho hay.

Trong khi đó, đại diện Trung tâm thương mại Tân Sơn Nhất cho rằng hiện nay lượng khách đang giảm, nhà ga có một số khu vẫn trong giai đoạn sửa chữa mặt bằng. Vì vậy, cách kinh doanh phù hợp nhất lúc này là chủ động điều chỉnh giá, mở rộng đối tượng, phục vụ thêm nhóm khách hàng bình dân.

"Sẽ rất khó so sánh hiệu quả năm nay với các năm trước vì hoàn cảnh mỗi lúc mỗi khác. Tôi cũng không có cơ sở để dự báo việc kinh doanh lời lãi ra sao trong 6 tháng cuối năm. Hy vọng bán giá mềm hơn thì người mua sẽ nhiều hơn, bù đắp vào phần giá đã giảm", ông nói.

Noi-Bai-JPG-9969-1405658345.jpg

Giá dịch vụ ăn uống tại sân bay Nội Bài vẫn giữ nguyên

Trong lúc các doanh nghiệp kinh doanh ở sân bay Tân Sơn Nhất lo lắng không yên, thì đại diện của Cảng vụ Hàng không miền Bắc cho biết giá cả tại Nội Bài những  ngày gần đây vẫn giữ nguyên, không thay đổi.

"Kể từ sau lần áp giá trần với các mặt hàng phổ biến từ tháng 8 năm ngoái, cho đến nay các đơn vị kinh doanh vẫn thực hiện nghiêm ngặt", đại diện Cảng vụ cho hay.

Theo đó, tại sân bay Nội Bài, giá bún phở, mì tôm, bánh mỳ kẹp không quá 50.000 đồng. Chai nước tinh khiết loại 0,5 lít giá từ 18.000 đồng ở ngoài khu cách ly và 20.000 đồng ở khu cách ly.

Trong chuyến thị sát sân bay Nội Bài hôm 13/7 vừa rồi, Phó Cục trưởng Cục Hàng không nhận thấy giá cả tại đây vẫn khá cao so với mặt bằng xã hội, tuy nhiên tương đương với những nơi có giá tiền thuê cao khác ở bên ngoài.

Tại sân bay Nội Bài, giá thuê một quầy hàng ở khu cách ly nội địa diện tích dưới 5 m2 là 10,4 triệu đồng mỗi tháng, từ 15 đến 20 m2 tiền thuê quầy hết 21,9 triệu đồng. 

Còn trong khu cách ly quốc tế, một cửa hàng diện tích 5-10 m2 tại đây có giá thuê 840 USD, tương đương 84-168 USD mỗi mét vuông một tháng. Cửa hàng càng rộng giá thuê càng rẻ, trên 20m2 giá mỗi mét vuông còn 45 USD.

Hà Thanh - Thanh Bình

, ,

Previous
Next Post »